“Lúc nghe canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, tôi thấy vừa xa lạ, vừa mơ hồ, không nghĩ có hiệu quả”, ông Chiếu, Giám đốc HTX Kênh 7B, kể lại cuộc gặp năm 2012 với các nhà khoa học từ Đại học Cần Thơ.
Khi đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đang tìm nơi thí điểm dự án trồng lúa ít phát thải. HTX kênh 7B được chọn do có hệ thống trạm bơm nước tập trung, tiện quản lý ruộng đồng.Các nhà khoa học giải thích, sản xuất lúa chiếm một nửa lượng khí phát thải của ngành nông nghiệp, khiến thời tiết cực đoan hơn. Nếu thay đổi cách canh tác, không chỉ giảm phát thải mà còn tăng lợi nhuận đến 50% so với phương pháp truyền thống nhờ giảm lượng giống, phân hoá học, thuốc trừ sâu và công lao động.
“Nghe cũng được. Lúc đó lợi nhuận trồng lúa chưa tới 30% mà hụt lên hụt xuống”, ông Chiếu kể về lý do tham gia dự án.
Ruộng của HTX Kênh 7B thuộc 540 ha đầu tiên thí điểm canh tác lúa giảm phát thải nhà kính tại huyện Tân Hiệp, Kiên Giang và Phú Tân, An Giang. Dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thực hiện từ năm 2012 với tài trợ từ Chính phủ Australia.
Từ kết quả dự án trên, mô hình canh tác này tiếp tục trải qua hơn 10 năm thử nghiệm tại nhiều nơi, trước khi được nhân rộng trong đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023.